Nghi lễ tiến lịch tại Hoàng Thành Thăng Long 2022

Hoàng Thành Thăng Long

1,312 Views 0

Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều nghi lễ truyền thống được tái hiện tại Hoàng thành Thăng Long như lễ phất thức, phong ấn, dựng nêu, lễ tiến lịch, tiến xuân ngưu, lễ hạ nêu, khai ấn… Đón xuân Nhâm Dần 2022, lần đầu tiên khu di sản thực hành Nghi lễ tiến lịch, một nghi lễ thường triều trong cung đình nhà Lê xưa kia.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội Nội đã phối hợp với Hội bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long và Công ty Ỷ Vân Hiên thể nghiệm hoạt động tiến lịch, gồm 2 nội dung: (1)Trưng bày tranh vẽ phỏng dựng không gian nghi lễ tiến lịch với mô hình phỏng dựng hiện vật bìa sách ngự lịch, quan lịch và qui trình biên soạn, san khắc, in ấn, đóng quyển lịch. (2) Thực hành nghi lễ Tiến lịch tại không gian sân điện Kính Thiên. Nghi lễ được tái hiện dưới hình thức sân khấu hóa, gồm các hoạt cảnh chính: Nghi thức các quan vào chầu; Nghi thức quan Tư Thiên giám tiến ngự lịch; Nghi thức quan Truyền chế đọc chế; Nghi thức quan Lễ khoa ban quan lịch.
Trong điều kiện thích ứng và đảm bảo phòng chống dịch covid – 19, khu di sản chưa mở cửa đón khách tham quan, nhưng các hoạt động, nghi lễ tại Hoàng thành trong dịp Tết vẫn được diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống và được ghi hình quảng bá, trưng bày trực tuyến phục vụ đông đảo du khách gần xa.
Trưng bày trực tuyến chủ đề “ Tiến lịch đón xuân sang”, đã tái hiện không gian ngày Tết cổ truyền với các phong tục truyền thống như gói bánh chưng, tục cúng gia tiên, tục treo tranh tết, câu đối tết, chúc tết, xin chữ đầu năm…Đặc biệt giới thiệu các tư liệu, hình ảnh về quy trình làm lịch cũng như ban hành lịch của triều đình nhà Lê, phỏng dựng bìa sách ngự lịch tiến vua.
Theo chính sử, hàng năm, vào tháng trọng xuân, triều đình cho biên soạn lịch công của năm mới, vua Lê phê duyệt rồi truyền cho san khắc, in ấn, đóng quyển. Đến ngày 24 tháng Chạp tại sân rồng điện Kính Thiên, triều đình long trọng tổ chức nghi lễ tiến ngự lịch lên hoàng đế. Tiếp đó, nhà vua ban lịch cho bá quan và dân chúng để khởi đầu cho một năm làm việc, cấy trồng hanh thông, thuận lợi.
Lễ tiến lịch được mô tả trong Lê triều Hội điển như sau: “Đến ngày 24 tháng 12 thì làm lễ dâng lịch. Sáng ngày hôm ấy, các vị công, hầu, bá và các quan theo lệnh chỉ của vương thượng đều mặc phẩm phục vào triều làm lễ. Làm lễ xong, viên Tư Lễ Giám đem lịch để ngay ở ngự tiền sang dâng vương phụ, rồi Lễ Khoa đem lịch ban phát cho các quan”.
Thông thường có ba loại lịch: Ngự lịch chỉ có một bản duy nhất dâng tiến lên nhà vua; Quan lịch dùng để ban cho các công hầu bá, văn võ bá quan từ cấp trung ương đến địa phương. Dân lịch để ban phát cho dân chúng. Giữa các loại lịch có sự khác nhau về hình thức như họa tiết trang trí bìa lịch, chất liệu giấy in, còn nội dung cơ bản giống nhau.
Lễ tiến lịch và ban lịch thể hiện sự coi trọng của triều đình phong kiến đối với việc làm lịch cũng như quan tâm đến các hiện tượng thời tiết, khí hậu, ngày giờ tốt, vấn đề thiên thời địa lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt hàng ngày của triều đình và nhân dân.
Vua, hoàng gia, triều đình dùng lịch để tổ chức và điều hành các hoạt động triều chính, tế tự, hội hè,.. Công việc hành chính của các quan ở kinh thành cũng như ở các nha môn địa phương đều dựa trên lịch chung quy định của nhà nước. Đối với dân chúng, vai trò của lịch cũng có ý nghĩa rất đặc biệt. Xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ. Xem lịch để biết được sự thay đổi tiết trời mà ứng phó, phòng tránh thiên tai…
Do vậy, nghi lễ tiến lịch, ban lịch được tổ chức rất long trọng vào thời khắc đặc biệt chuẩn bị đón Tết, khởi đầu cho một năm mới với những ước nguyện an vui, no ấm, đủ đầy. Lễ ban lịch cho toàn thiên hạ thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm của bậc “thiên tử” đối với mọi mặt đời sống nhân dân.
Ngày nay, việc nghiên cứu tái hiện các nghi lễ cung đình tại Hoàng thành Thăng Long đã nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và du khách.
Đánh giá về các hoạt động thể nghiệm này, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết: Lễ tiến ngự lịch là một nghi thức quan trọng đã được mô tả rõ nét trong sử sách. Lịch thể hiện trình độ văn minh, phương thức quản lý đất nước cũng như cho thấy sự quan phương, thống nhất trong mọi hoạt động lễ nghi, ngoại giao, sản xuất, làm việc của triều đình và dân chúng; bao quát toàn bộ hoạt động triều chính và đời sống hàng ngày. Việc nghiên cứu, tái hiện nghi lễ tiến lịch cũng như các nghi lễ cung đình tại Hoàng thành Thăng Long cần được phát huy, để khơi gợi những mạch nguồn văn hóa truyền thống, gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và đương đại, từ đó khích lệ sự quan tâm của các bạn trẻ đối với văn hóa dân tộc”.

Related Videos